Chủ tịch hội đồng quản trị

Chủ tịch hội đồng quản trị
Trường tồn

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Kỹ thuật in - Vai trò của kỹ thuật in trong thiết kế, in ấn

Ngành thiết kế, in ấn hiện nay được xem là một trong những ngành dễ kiếm tiền và khả năng xin việc làm tốt nhất hiện nay. Hiện có 2 nơi đang đào tạo chính thức hệ kỹ sư công nghệ in. Tại khu vực phía Nam có Khoa in và truyền thông thuộc trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Tại khu vực phía Bắc có ngành Kỹ thuật In và Truyền thông thuộc khoa Hóa trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chính vì thế những kỹ sư in sau khi tốt nghiệp đều có việc làm tại các cơ sở chế bản, công ty in, công ty thiết kế - quảng cáo hay các công ty chuyên về thiết bị và vật tư ngành in. Chính vì thế thị trường cung không đủ cầu, đào tạo ra rất ít nhưng thị trường in ấn lại cần rất nhiều. Điều đó dẫn đến việc rất nhiều trường trung cấp ngành in ra đời như trường An Đức, Trường Sài Gòn 3, Trung tâm phát triển công nghệ thông tấn - cơ sở đào tạo Itaxa... nhằm đào tạo công nhân chế bản - in ấn bậc 3/7 nhằm lấp đi khoảng trống về nhân lực in. Đi cùng với các trường trung cấp in là các trung tâm dạy đồ họa xuất hiện khắp nơi chuyên dạy các phần mềm thiết kế in ấn như Corel, Photoshop, AI, Indesign, Quarkxpress...
Nhưng đào tạo ở Việt Nam là đào tạo chuyên về lý thuyết, do đó các em khi đi vào thực tế sẽ rất bỡ ngỡ. Chính vì thế ngoài học những kiến thức cơ bản về in ấn, các học viên cần tự trang bị cho mình những kỹ thuật in cần thiết để sau khi ra trường có thể đáp ứng ngay những nhu cầu về công việc.
1. Kỹ thuật in là gì?
Kỹ thuật in là những kỹ thuật liên quan đến 3 khâu quan trọng nhất đó là chế bản, in ấn và thành phẩm. Những kỹ thuật này chính là những kỹ thuật về xử lý file kỹ thuật số chuẩnđể tạo khuôn in,những kỹ thuậtliên quanđến máy in- điều khiển máy in hay những kỹ thuật liên quan đến kỹ thuật thành phẩm những sản phẩm sau khi in xong.
Kỹ thuật in nói đến đây là một phạm trù rất rộng, bao quát toàn bộ quá trình sản xuất in. Do đó bất cứ ai khi nắm vững những kỹ thuật in thì sẽ làm chủ được công việc của mình.



2. Ở đâu dạy kỹ thuật in?

Ngay cả những sinh viên được đào tạo chính quy từ trường sư phạm kỹ thuật sau khi ra trường và được đưa vào công việc cụ thể họ cũng rất bối rối vì hầu như trong trường học chỉ được học chủ yếu về lý thuyết, thực hành rất ít. Chính vì thế khi bước vào môi trường công việc đầy áp lực thì hầu như rất bối rối và cần rất nhiều thời gian để hòa nhập.
Tôi có trao đổi với những học viên từ những trung tâm dạy đồ họa, các em đều nói rất mong mỏi được học về những kỹ thuật in chứ các em hầu như chỉ được học về cách sử dụng những phần mềm. Hoặc may thay một số trung tâm hứa hẹn trong trường trình quảng cáo nói là có dạy thêm về kỹ thuật in nhưng khi vào học các em được học thêm rất ít, chỉ vài tiết nói sơ sơ về công nghệ in offset, nguyên lý tách màu... Mà lượng học viên này sau khi ra trường lại làm chủ yếu ở các công ty quảng cáo, do đó khi gửi file thiết kế đến những công ty in ấn hầu như phải đưa về vì lỗi rất nhiều.
Chính vì thế theo tôi nghĩ kỹ thuật in là sự tự học. Các bạn trong thời gian học cố gắng sắp xếp thời gian để đi vào thực tập ở các cơ sở in ấn, thiết kế để tự học hoặc thông qua các trang web hướng dẫn về kỹ thuật in hoặc qua những trang web có hỏi đáp về in ấn. Thông qua các trang web này chúng ta mới tự học được qua những lỗi của những người khác gặp phải.

3. So sánh giữa có học về kỹ thuật in và không học kỹ thuật in?

Chúng tôi xin đưa ra một ví dụ nhỏ trong chế bản để thấy được vai trò của kỹ thuật in
* Không học về kỹ thuật in
1/ Màu sắc thiết kế có thể RGB hay thậm chí xài cả màu Pantone cho in 4 màu
2/ Phóng lớn hình tùy tiện và thậm chí không quan tâm đến độ phân giải hình
3/ Làm đúng khổ thành phẩm.Ví dụ thiết kế A4 thì luôn thiết kế trong 210x297mm và không chừa xén
4/ Chữ đen luôn để 4 màu dẫn đến chồng màu khó và in bị lé rất xấu..
* Học về kỹ thuật in
1/ Màu sắc thiết kế luôn CMYK
2/ Hình ảnh luôn từ 300 dpi đến 350 dpi
3/ Có chừa xén (Bleed) để xén đẹp nhất
4/Màu đen chữ (text) luôn 100% đen để overprint in ra đẹp nhất...





Black 100% in ra xấu hơn Black 4 màu (nếu không nắm được kỹ thuật này bạn sẽ gặp khó khăn khi in mảng màu đen lớn như nền)

Ngoài ra còn rất nhiều những thủ thuật trong chế bản , in ấn, thành phẩm gọi chung là kỹ thuật in mà chúng ta cần phải tự học

4. Cần thiết hơn nữa vai trò của các diễn đàn kỹ thuật in?

Các diễn đàn kỹ thuật in đang đếm trên đầu ngón tay tại Việt Nam. Các diễn này chưa có sự đầu tư về sức lực và thời gian nên chưa có những bài viết phân tích cụ thể những kỹ thuật in thông dụng trong chế bản, in ấn, thành phẩm. Có diễn đàn thì tôi thấy hàng tháng vẫn chưa có những câu hỏi hay hoặc không có những bài viết thu hút nhiều người đến với diễn đàn. Hoặc có những diễn đàn với cách viết quá cao khiến khó tiếp cận với những tầng lớp thiết kế thông thường, ngay cả những kỹ sư chuyên ngành in đọc mãi mới hiểu hết được những kỹ thuật chuyên sâu đó.
Chính vì thế theo tôi những diễn đàn kỹ thuật in chính là nơi thu hút những người có nhu cầu nghiên cứu in ấn, chính vì thế cần được đầu tư hơn nữa về những bài viết chuyên sâu nhưng vẫn phải là thực tế trong công việc thường gặp hàng ngày của thiết kế quảng cáo.

5. Định hướng tương lai của việc học kỹ thuật in?

Học kỹ thuật in ngày nay đã khác so với ngày xưa. Ngày xưa xuất phim thì chúng ta chỉ săm xoi vào việc làm sao xuất phim hay nhất, in ấn thì học về kỹ thuật trong máy in offset, thành phẩm thì xăm soi vào đóng lồng, mài gáy mà các bạn đang quên mất một điều: Đó chính là công nghê in ấn đang thay đổi từng ngày. Công nghệ chế bản với công nghệ CTP ra đời cùng với công nghệ in kỹ thuật số đang phát triển rầm rộ, in ấn với kỹ thuật in kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, thành phẩm với những công nghệ in UV cục bộ, đóng xén tự động hoàn toàn. Chính vì điều đó chúng ta nên cập nhật những kỹ thuật này thường xuyên.
Tôi nhớ như in lời của một người thầy, hiện nay cũng là một giám đốc doanh nghiệp in nổi tiếng tại Việt Nam: Ông có nói: "Ai cũng có thể trèo lên đỉnh núi Everest nhưng chẳng ai đi đến điểm cuối của công nghệ". Ông chỉ nói thế khi tôi gặp ông trong một buổi giới thiệu về công nghệ in kỹ thuật số HP Indigo tại TP.Hồ Chí Minh. Chính lúc đó tôi mới thấy mình quá nhỏ bé, mình vẫn phải học nhiều hơn từ đồng nghiệp, từ những trang web chuyên về in ấn của nước ngoài, từ các diễn đàn và các triển lãm in ấn.
Tôi đã được đọc bài viết của một nhân viên thuộc công ty in chúng tôi - Công ty in Việt Nam nói về công nghệ iCTP, tôi hỏi nhân viên đó sao công nghệ nghe lạ vậy. Nhưng khi đọc hết bài viết của anh từ triển lãm in thế giới tôi mới thấy công nghệ in đã đi quá xa. Bây giờ máy ghi kẽm như máy in phun, quá tiết kiệm, cho chất lượng cao và đặc biệt thân thiện môi trường. Hoặc trong lĩnh vực in ấn, có khái niệm in OFFSET KỸ THUẬT SỐ, khái niệm nghe có vẻ lạ nhưng đơn thuần là máy in dùng công nghệ in OFFSET nhưng chế tạo bản in trực tiếp trên máy bằng công nghệ kỹ thuật số.
Bằng đó thôi đó chính là học về kỹ thuật in, học từ những kỹ thuật mới nhất mà thế giới đã tìm ra. Theo tôi cách học này rất hiệu quả và giống như kiểu "đi tắt đón đầu".

6. Khó khăn chung của mọi người khi học kỹ thuật in?

* Khó khăn về ngôn ngữ:
99% các trang web chuyên về kỹ thuật in là tiếng Anh. Chính vì thế để học nhanh chóng về kỹ thuật in chúng ta cần trang bị học thêm ngoại ngữ để có thể đọc trực tiếp những kỹ thuật in chia sẻ từ những website này.





Diễn đàn http://printplanet.com/
* Khó khăn về mặt kiến thức?
Hầu hết những người mới bước vào nghề in như các em từ các trường trung cấp in hay các em học thiết kế từ các trung tâm đồ họa do thiếu những kiến thức căn bản về màu sắc, về tram hóa, về máy ghi, về công nghệ in, công nghệ thành phẩm do đó rất khó tiếp thu những kỹ thuật in ấn. Theo tôi những bạn này cần nhiều thời gian đọc thêm sách để bổ sung những lỗ hổng, Sau đó tự học những kỹ thuật in thông qua thực tế công việc. Khi nào có đủ khả năng thì học thêm những kỹ thuật mới hơn và đào sâu hơn trong công việc đang làm.
* Khó khăn do môi trường làm việc?
Một bạn đang làm in ở tỉnh có trao đổi với tôi về công việc của họ là họ chủ yếu làm việc trong môi trường thiết bị cũ, công nghệ cũ như làm bản kẽm mài bằng bi hoặc chỉ làm in trên máy 2 màu cũ. Do đó họ không có cơ hội nào để học về kỹ thuật in mới dù họ rất mong muốn được học về những kỹ thuật mới. Tuy nhiên tôi vẫn khuyên họ nên tự học thêm vì biết đâu có những cơ hội mới và càng biết nhiều kiến thức in thì cũng không thiệt mà chỉ bổ trợ tốt cho công việc.
Với những trình bày ở trên tôi mong rằng các bạn đã phần nào thấy được vai trò của kỹ thuật in trong thiết kế, in ấn. Kiến thức là vô tận do đó cố gắng học thật nhiều kiến thức về kỹ thuật in. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của bạn...
Chúc các bạn thành công!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét